Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – 19 tháng 12 năm 1946

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi cả nước với quyết tâm cao độ là chiến thắng giặc Pháp xâm lược và bảo vệ tổ quốc. Cùng BachkhoaWiki tìm hiểu về lời kêu gọi có sức lay động mạnh mẽ này nhé.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào ngày nào?

Chiều ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Hội nghị đóng góp vào văn bản do người thay mặt soạn thảo. Vào 20 giờ ngày 19/12/1946, tiếng đại bác từ pháo đài Láng hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến được phát ra, cuộc kháng chiến chống xâm lược bùng nổ trên phạm vi cả nước.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi cả nước với quyết tâm cao độ là chiến thắng giặc Pháp xâm lược và bảo vệ tổ quốc  vào sáng sớm ngày 20/12/1946, qua sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trong hoàn cảnh nào?

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu cho cuộc xâm lược nước ta lần thứ 2 rồi từng bước mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Vừa chỉ đạo quân dân miền Nam chiến đấu chống lại thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng, Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đàm phán, nhân nhượng để tìm kiếm giải pháp hòa bình. Nhưng mọi cố gắng đều bị Thực dân Pháp khước từ. Với khát vọng bảo vệ nền độc lập tự do cho đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Đối phó với dã tâm xâm lược nước ta lần thứ hai của thực dân Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn Đảng và dân tộc sát cánh bên nhau, đưa ra nhiều kế sách nhằm hòa hoãn với Tưởng và sau đó là Pháp nhằm xây dựng và củng cố lực lượng như ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước 14/9/1946.

Nhưng với dã tâm xâm lược đất nước chúng ta, tất cả điều đó gần như vô ích. Sau cuộc họp Hội nghị với Thường Vụ Trung Ương Đảng vào ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung Ương Đảng, Chính phủ Việt Nam viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại đâu?

Với mưu đồ xâm lược Việt Nam lần thứ hai, cuối tháng 11/1946, thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và Đà Nẵng. Ngày 18/12/1946, tướng Louis Morlière gửi tối hậu thư cho Chính Phủ Việt Nam đòi chiếm đóng sở Tài Chính, giải tán lực lượng tự vệ và bàn giao quyền kiểm soát an ninh ở Hà Nội.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Trước tình hình hết sức căng thẳng đó, ngày 18 và 19/12/1946 tại Làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường Vụ Trung Ương Đảng họp Hội nghị mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì.

Để hiệu triệu toàn dân đứng lên chống Pháp và có đường lối chung chỉ đạo thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung Ương Đảng, thay mặt Chính Phủ soạn thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến?

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa vừa mới ra đời, còn đang trong “trứng nước” đã phải đứng trước tình thế hiểm nghèo, vô cùng khó khăn và đầy thách thức. Đất nước bị các thế lực đế quốc phản động bao vây và tiến công.

Trong khi kẻ thù hoàng hoành giữa hai đầu đất nước, thì đời sống kinh tế xã hội của đất nước ta gặp nhiều khó khăn chồng chất, đặt đất nước ta trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Cao trào là ngày 18/12/1946, thực dân Pháp gửi tối hậu thư đòi Chính Phủ ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát Thủ Đô cho chúng. Dân tộc Việt Nam ta đứng trước hai con đường: chiến đấu hay đầu hàng.

Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Nội dung lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Nội dung toàn văn của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã được in trong Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, trang 480, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995 như sau:

Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm
Kháng chiến thắng lợi muôn năm

Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 1946
Hồ Chí Minh

Ý nghĩa lịch sử của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là văn kiện chính trị quan trọng có ý nghĩa lịch sử sâu sắc.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thể hiện khát vọng hòa bình, ý chí quyết tâm sắc đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là lời hịch cứu nước, có tác dụng cổ vũ, thôi thúc và động viên toàn dân đứng lên đánh giặc. Lời hiệu triệu của Người là tiếng gọi thiêng liêng của non sông, đất nước, thôi thúc cả dân tộc bước vào cuộc chiến đấu mới để giành độc lập cho dân tộc.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã phác họa những đường nét cơ bản về đường lối chống thực dân Pháp. Góp phần chỉ đạo, định hướng cho cuộc kháng chiến giành thắng lợi.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngắn gọn, nhưng chứa đựng trong đó là sự hùng hồn đanh thép, cổ vũ mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Đáp lại lời kêu gọi của Người, nhân dân cả nước đồng lòng nhất tề đứng lên, đánh đuổi giặc ngoại xâm cứu nước. Cả dân tộc chung một ý chí, chung một nguyện vọng, đoàn kết đứng lên với niềm tin mãnh liệt vào ngày đại thắng của dân tộc.

Xem thêm:

Hy vọng qua các thông tin lịch sử được chia sẻ trên, các bạn sẽ thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, những gì mà ông cha chúng ta đã để lại cho thế hệ sau này. BachkhoaWiki hy vọng nhận được nhiều chia sẻ cho bài viết này để mọi người có thể hiểu rõ hơn lịch sử của dân tộc, thêm yêu mến và trân quý những điều hiện tại.