Trận Rạch Gầm – Xoài Mút 1785 – Trận thủy chiến lẫy lừng làm vang danh sử Việt

Trận Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785 là một trong những trận thủy chiến ghi dấu chiến thắng lừng lẫy trên sông nước trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Bằng tài thao lược, Nguyễn Huệ đã vận dụng sáng tạo những nghệ thuật quân sự để đánh bại sự xâm lược của quân Xiêm. Hãy cùng BachkhoaWiki tìm hiểu tất tần tật về trận Rạch Gầm – Xoài Mút lẫy lừng này nhé.

Nguyên nhân dẫn đến trận Rạch Gầm – Xoài Mút

Năm 1771, ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đứng dậy khởi nghĩa.

Tháng 2/1783, vua Nguyễn Nhạc sai hai em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mang quân vào Nam Bộ. Tướng Nguyễn Châu Văn Tiếp cũng không thể ngăn cản. Lúc đó chúa Nguyễn Ánh phải chạy xuống Ba Giồng (Định Tường), còn Châu Văn Tiếp phải men theo đường núi qua Cao Miên rồi qua Xiêm cầu viện.

Lúc đó Xiêm La đang lúc thịnh vượng và nuôi tham vọng chiếm lấy Cao Miên và Gia Định để mở rộng bờ cõi. Khi nghe Châu Văn Tiếp đến cầu cứu thì vua Xiêm là Rama I liền đồng ý.

Diễn biến trận Rạch Gầm – Xoài Mút

Lược đồ của trận Rạch Gầm – Xoài Mút

Sau đây là lược đồ của trận Rạch Gầm – Xoài Mút:

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút

Trước trận chính

Tháng 7 năm 1784, thủy quân Xiêm đổ bộ lên đánh Rạch Giá (thuộc đạo Kiên Giang), Trấn Giang (Cần Thơ), Ba Thắc (Srok Pra-sak, Sóc Trăng), Trà Ôn, Sa Đéc, Mân Thít (hay Mang thít, Man Thiết) rồi chia quân đóng giữ. Trương Văn Đa ngay lập tức đem thủy binh từ Gia Định tiến xuống Long Hồ (Vĩnh Long) để cản ngăn.

Ngày 30/11/1784, Đại đô đốc Chu Văn Tiếp đem quân vào sông Mân Thít, thì bị Chưởng tiền Bảo vây đánh và giết chết. Mất đại tướng, chúa Nguyễn Ánh liền cho quân vào cứu viện, chém chết Chưởng tiền Bảo cùng nhiều quân Tây Sơn.

Lê Văn Quân trở thành đại tướng mới, cho quân tiến đánh lũy Ba Lai (Bến Tre) và Trà Tân (Định Tường) nhưng đều nhận lại thương vong.

Lực lượng của Nguyễn Ánh không có bao nhiêu, tất cả đều phải dựa vào quân Xiêm. Nhưng do quân Xiêm đã làm nên những hành động tàn bạo với nhân dân khiến họ vô cùng phẫn nộ, kết hợp với mưu kế ly gián của Nguyễn Huệ, từ đó Nguyễn Ánh mất dần tin tưởng vào quân Xiêm.

Cuối năm 1784, khi quân Xiêm còn đang đánh Nam Bộ thì Nguyễn Ánh đã bắt đầu mở đường cho sự can thiệp của tư bản Pháp.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút

Trận chính

Sau nhiều thời gian xem xét và lên kế hoạch, Nguyễn Huệ quyết định chọn khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút cách Mỹ Tho khoảng 12km, làm trận địa quyết chiến.

Đoạn sông này được Nguyễn Huệ dựa trên nhiều tính toán. Nó dài khoảng 7km, lòng sông rộng, đủ để dồn hàng trăm chiến thuyền quân Xiêm. Đồng thời, với sự kết hợp tự nhiên giữa hai con sông nhỏ Rạch Gầm, Xoài Mút, sông Trước, sông Sau với địa thế hai bên bờ sông Mỹ Tho và cù lao Mỹ Sơn, rất thuận lợi trong hoạt động tác chiến mai phục.

Nguyễn Huệ triệt để lợi dụng địa hình, tạo lập thế trận mai phục hiểm hóc. Theo đó, thủy quân và thuyền chiến Tây Sơn được giấu kín trên hai sông Rạch Gầm, Xoài Mút và sông Sau; pháo binh và bộ binh được bố trí bí mật ở hai bên bờ sông Mỹ Tho và trên cù lao Thới Sơn.

Khi quân Xiêm – Nguyễn lọt vào sông Trước, thủy binh Tây Sơn từ hai con sông nhỏ Rạch Gầm – Xoài Mút sẽ tiến ra đánh “chặn đầu, khóa đuôi”, dồn thuyền địch vào khu vực lựa chọn. Hàng trăm thuyền chiến bị dồn vào 1 khúc sông thì không thể cơ động né tránh, sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng cho lực lượng pháo binh Tây Sơn mai phục sẵn trên bờ.

Ở trên bờ, bộ binh Tây Sơn sẽ phối hợp đánh “thốc” vào bên sườn đội hình địch, chia cắt ra nhiều mảng để tiêu diệt.

Sau khi bí mật cho quân và tàu chiến ẩn náu ở các nơi hiểm yếu, Nguyễn Huệ lệnh cho quân đến khiêu khích. Lập tức, Chiêu Tăng giao Sạ Uyển ở lại giữ đại bản doanh, cử Lục Cổn dẫn bộ binh men theo tả ngạn sông Tiền để cùng phối hợp; còn ông cùng với tướng tiên phong là Chiêu Sương, dẫn hàng trăm thuyền chiến tiến xuống Mỹ Tho, nơi đặt đại bản doanh của Tây Sơn.

Đêm ngày 18/1/1785 lợi dụng con nước đang xuôi, cả hai đạo thủy bộ quân Xiêm cùng rầm rộ tấn công.

Đến khoảng đầu canh năm ngày 19/1/1785, đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn ở Rạch Gầm – Xoài Mút, tức thì pháo lệnh tấn công của Tây Sơn nổ vang.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút

Mở đầu trận đánh, hai đội thủy binh Tây Sơn từ Rạch Gầm – Xoài Mút bất ngờ lao ra, chặn đánh hai đầu, dồn quân địch vào vòng vây đã bố trí sẵn. Đồng thời, từ hai bờ sông Tiền (đoạn Rạch Gầm – Xoài Mút) và dọc bờ cù lao Thới Sơn, bãi Tôn, cồn Bà Kiểu, Rừng Dừa… các đại bác cùng pháo hỏa hổ của bộ binh Tây Sơn bắn ra dữ dội vào khúc giữa đoàn thuyền địch lúc bây giờ đang bị ùn lại.

Đồng loạt, đoàn thuyền Tây Sơn từ Rạch Gầm – Xoài Mút từ trong những nhánh rạch nhỏ chảy quanh các cồn bãi, nhanh chóng kéo ra chặn đánh đầu. Một đoàn thuyền Tây Sơn khác ẩn náu sau cù lao Thới Sơn, xông ra đánh mạnh vào hông và đánh chặn đường lui, dồn đoàn thuyền của đối phương vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Cùng lúc ấy, quân Tây Sơn, cho những thuyền nhẹ chở đầy những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào những chiến thuyền đang rối loạn làm cho số bị chìm, số bị cháy…

Quân Tây Sơn, thủy bộ phối hợp với nhau, khép chặt vòng vây, tiêu diệt quân địch hết mảng này đến mảng khác. Dưới sự chỉ huy và đốc chiến của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt.

Trời vừa rạng sáng thì chiến cuộc cũng vừa dứt. 300 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh của Xiêm cùng một số quân của chúa Nguyễn, không đầy một ngày, đã bị quân Tây Sơn phá tan. Hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy trốn về Sa Đéc, bị truy kích, lại hối hả cùng Sa Uyển dẫn vài nghìn tàn quân chạy bộ sang Chân Lạp rồi về Xiêm.

Riêng chúa Nguyễn Ánh thì đã sớm bỏ chạy khi thấy giao tranh nổ ra. Còn quân của chúa Nguyễn thì tan tác mỗi người một ngả. Viên cai cơ chỉ huy quân thủy là Nguyễn Văn Oai bị chết tại trận. Những viên tướng khác như Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội… mỗi người cũng chỉ còn dăm chục quân.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.

Sau trận chính

Sau trận chiến khốc liệt, quân Xiêm thương vong lên đến con số hàng ngàn người. Vua Xiêm nhận được tin bại trận, vội phái Phi-nhã Xuân đem 10 thiếc thuyền đi cứu tàn quân chạy trốn bằng đường biển. Trong lần chạy tháo thân này, Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng lại lâm vào cảnh rất khổ sở không kém.

Tháng 3/1785, quân Tây Sơn truy đuổi, chúa Nguyễn vội vàng cùng với khoảng 200 quân tướng và 5 chiếc thuyền tháo chạy sang đảo Cổ Cốt, rồi sang Xiêm.

Trận Rạch Gầm - Xoài Mút

Kết quả trận Rạch Gầm – Xoài Mút

Kết quả của trận Rạch Gầm – Xoài Mút là khiến quân Xiêm bị đánh tan tành, Nguyễn Ánh thoát chết, chạy sang Xiêm lưu vong. Đây được xem là một thắng lợi vô cùng xứng đáng với những mưu lược của những nhà lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

Nguyên nhân thắng lợi của trận Rạch Gầm – Xoài Mút

Nguyên nhân thắng lợi của trận Rạch Gầm – Xoài Mút nhất định phải nói đến là:

  • Do sự chỉ huy sáng suốt, lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ đập tan chỉ trong một trận đánh.
  • Thắng lợi của trận Rạch Gầm – Xoài Mút cho chúng ta thấy tài thao lược của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, từ việc chọn hình thức tiến công địch đang vận động, lựa chọn khu vực tác chiến, đến vận dụng thủ đoạn kéo địch ra xa căn cứ để tiêu diệt – thể hiện nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
  • Đây là bài học quý cần tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa và phát triển sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ý nghĩa lịch sử của trận Rạch Gầm – Xoài Mút

Trận Rạch Gầm – Xoài Mút là một chiến thắng mang một ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn.

  • Là một trong những trận thủy chiến lớn nhất, lừng lẫy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam
  • Đập tan mưu đồ bán nước của Nguyễn Ánh và mưu cướp nước của giặc Xiêm
  • Đưa phong trào nông dân Tây Sơn phát triển lên một giai đoạn, trình độ mới
  • Khẳng định sức mạnh của nghĩa quân và tài chỉ huy quân sự tuyệt vời của Nguyễn Huệ.

Xem thêm:

Trên đây là những chia sẻ của BachkhoaWiki về trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Nếu thấy hay thì đừng quên Like và Share để BachkhoaWiki có động lực mang đến thêm nhiều kiến thức thú vị hơn nữa nhé.