Rửa tiền là gì? 5 hình thức rửa tiền và hình phạt nào cho hành động phi pháp này

Rửa tiền là một thuật ngữ được bắt gặp khá phổ biến. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thể hiểu hết được bản chất thật sự của khái niệm này. Vậy rửa tiền là gì? Hãy cùng BachkhoaWiki đi tìm kiếm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.

Rửa tiền là gì?

Đầu tiên chúng ta sẽ bắt đầu với khái niệm rửa tiền là gì?

Rửa tiền được hiểu là hành vi hay hoạt động của một cá nhân, một tổ chức nào đó tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản có được từ hành vi phạm pháp trở thành các tài sản được coi là hợp pháp.

Rửa tiền trong tiếng Anh là money laundering. Trong đó, danh từ money có nghĩa là tiền, laundering là có nghĩa đen là giặt giũ, rửa. Giải thích như vậy sẽ dễ hiểu hơn đúng không?

Rửa tiền là gì?

 

Đối tượng nào có nhu cầu rửa tiền?

Vậy đối tượng nào thường sẽ có nhu cầu rửa tiền? Chúng ta sẽ tập hợp vào những nhóm sau:

  • Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp…).
  • Những tổ chức khủng bố lớn.
  • Những người tham nhũng.
  • Những người muốn tránh thuế, những người không muốn đóng thuế dù thu nhập của họ là hợp pháp.

Đây là những nhóm đối tượng thường xuyên có những dòng tiền bất hợp pháp. Để có thể minh bạch mang tiền đi sử dụng, thì các đối tượng này cần phải thực hiện hành vi rửa tiền.

Các giai đoạn của rửa tiền

Theo nhiều chuyên gia cho biết thì quá trình rửa tiền sẽ diễn ra qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn sắp xếp còn có tên tiếng Anh là placement. Đây là giai đoạn mà tội phạm sẽ tìm cách đưa các khoản tiền có nguồn gốc phi pháp vào hệ thống tài chính để chuẩn bị thực hiện bước tiếp theo.

Giai đoạn phân tán tên tiếng Anh là layering. Đây là giai đoạn các khoản tiền đã được đưa vào hệ thống tài chính sẽ được chuyển đổi qua lại giữa các tài khoản ngân hàng, các quốc gia, đầu tư dự án, mua bán qua lại… nhằm che giấu nguồn gốc của tài sản.

Giai đoạn quy tụ có tên tiếng Anh là integration. Đây là giai đoạn cuối cùng, các khoản tiền chính thức nhập vào nền kinh tế hợp pháp và có thể sử dụng cho tất cả các mục đích.

Rửa tiền là gì?

 

5 hình thức của rửa tiền

Rửa tiền thông qua các giao dịch đổi tiền mặt

Đây được coi là phương thức rửa tiền truyền thống và là hình thức được giới tội phạm sử dụng phổ biến nhất cho đến hiện nay.

Về bản chất thì hình thức này là việc tội phạm sẽ thực hiện rửa tiền bằng cách đổi từ đồng tiền nước này sang đồng tiền của nước khác. Tuy nhiên, phương thức này lại có tỉ lệ rủi ro khá cao và dễ bị các cơ quan điều tra phát hiện.

Rửa tiền thông qua đầu tư

Một hình thức thứ hai cũng được sử dụng nhiều cho việc rửa tiền chính là rửa tiền gửi tiết kiệm, mua tín phiếu hay trái phiếu.

Tiền sẽ được gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc được dùng để mua trái phiếu, cổ phiếu, đầu tư chứng khoán…

Việc này làm cho đồng tiền sẽ nằm im trong một thời gian phù hợp với quy định chứng khoán của mỗi quốc gia.

Sau đó, người gửi tiền bẩn này có thể rút ra toàn bộ cả gốc và lãi, hoặc có thể rút một phần và biến số tiền đó thành tiền hợp pháp.

Rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng “ngầm”

Tại một số nước có hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả thì thường sẽ tồn tại hệ thống ngân hàng ngầm, tức là ngân hàng không chính thức.

Hệ thống ngân hàng ngầm này sẽ hoạt động và luân chuyển tài chính giống như các ngân hàng chính thức khác, tuy nhiên, chi phí dịch vụ rẻ hơn và bí mật hơn các ngân hàng hợp pháp.

Đây chính là một lỗ hổng trong hệ thống quản lý của quốc gia để bọn tội phạm dễ dàng lách luật và thực hiện hành động rửa tiền một cách lộng hành.

Rửa tiền là gì?

Rửa tiền thông qua việc mua kim loại quý

Rửa tiền thông qua việc mua các kim loại quý như kim cương, vàng, bạc…cũng rất phổ biến.

Đây là những tài sản có giá trị cao lại rất gọn nhẹ và có thể mua đi bán lại ở mọi nơi, tại mọi thời điểm trên thế giới. Đây là phương thức được nhiều tội phạm sử dụng do cách thức khá đơn giản và dễ thực hiện.

Rửa tiền online

Cuối cùng không thể không kể đến là hình thức rửa tiền online.

Nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của internet nên hình thức này hiện nay ngày càng phổ biến và biến tướng khó lường hơn.

Tiền phi pháp có thể được rửa qua các cuộc đấu giá và bán hàng trực tuyến, các trang web đánh bạc và các trang web chơi trò chơi ảo, nơi tiền tệ được chuyển đổi thành tiền tệ chơi game, sau đó trở lại thành tiền “sạch”.

Hoạt động rửa tiền gây ra những tác hại gì?

Hệ thống tài chính bị thao túng

Tác hại đầu tiên của việc rửa tiền chính là làm cho hệ thống tổ chức tài chính có thể bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm.

Hoạt động rửa tiền sẽ gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng, làm mất uy tín, từ đó gây mất cân bằng cơ cấu nợ và tài sản của các ngân hàng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống ngân hàng nói chung.

Rửa tiền là gì?

Rửa tiền làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế

Hoạt động tội phạm rửa tiền có tác động tiêu cực đến xu hướng đầu tư với rủi ro cao và có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia.

Các giao dịch ngầm từ hoạt động rửa tiền sẽ làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, từ đó gây mất lòng tin đối với thị trường kinh tế.

Rửa tiền gây bất ổn thị trường tài chính – tiền tệ

Rửa tiền sẽ gây ra sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm, từ đó sẽ dẫn đến những đột biến trong nhu cầu tiền tệ và sự bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển.

Tình trạng bất ổn tài chính sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước của quốc gia đó, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên càng khó khăn hơn, thậm chí là bị lệch lạc.

Rửa tiền làm phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế

Hoạt động rửa tiền sẽ gây phá vỡ sự ổn định cho nền kinh tế và chúng tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế.

Loại hình tội phạm rửa tiền này có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia bằng những thủ đoạn tinh vi để chúng có thể hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ các hoạt động phi pháp của mình.

Rửa tiền là gì?

Tội rửa tiền bị xử lý thế nào?

Hiện nay tội rửa tiền tại Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào?

Tội rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trong đó, các mức phạt được quy định riêng cho cá nhân và pháp nhân khi phạm tội. Cụ thể:

Đối với cá nhân:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

Rửa tiền là gì?

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định trên, cá nhân phạm tội rửa tiền sẽ bị phạt tù đến 15 năm, nếu chuẩn bị phạm tội thì bị phạt tù đến 03 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, công việc nhất định hoặc tịch thu tài sản.

Rửa tiền là gì?

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền, khoản 6 Điều 324 quy định mức phạt như sau:

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c, d, đ, e, g và h khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, pháp nhân thương mại thực hiện hoạt động rửa tiền có thể bị phạt tiền đến 20 tỷ đồng hoặc thậm chí là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Theo Điều 79 Bộ luật Hình sự 2015, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Trong đó, pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.

Rửa tiền là gì?

Thực trạng rửa tiền tại Việt Nam

Có thể thấy thực tế hiện nay tại Việt Nam tình trạng rửa tiền không quá hoành hành và phổ biến. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là hiện tượng này không xảy ra.

Cụ thể, vào năm 2018, Vụ đánh bạc trực tuyến hàng nghìn tỷ đồng bị phanh phui và đưa ra xét xử công khai với nhiều tổ chức và cá nhân liên quan đã nói lên nhiều điều về thực trạng hoạt động rửa tiền ở Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt, sự kiện này cũng cho thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, cuộc chiến chống rửa tiền ngày càng trở nên quyết liệt, phức tạp hơn trước cách hành vi rửa tiền vô cùng tinh vi.

Từ đó cho đến nay đã xảy ra không ít vụ rửa tiền thông qua hình thức online với quy mô lớn nhỏ trên cả nước với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến chính phủ bắt buộc phải có những chế tài mới cho tội danh này.

Các chính sách phòng chống rửa tiền tại Việt Nam

Cách chính sách phòng chống rửa tiền tại Việt Nam có thể kể đến như:

  • Liên tục ban hành các luật, bộ luật, quy định về phòng chống rửa tiền tại Việt Nam dựa theo những khuyến nghị của FATF – Lực lượng đặc nhiệm tài chính.
  • Các cơ quan lập pháp cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hệ thống pháp luật về chống rửa tiền theo tiêu chuẩn quốc tế.
  • Chính phủ tăng cường phối hợp, hợp tác, giúp đỡ các ngân hàng trong việc phát hiện và xử lý các hành vi rửa tiền một cách kịp thời.
  • Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng hiệu quả các phần mềm phát hiện và ngăn chặn các giao dịch đáng ngờ.

Rửa tiền là gì?

Các vụ rửa tiền chấn động trên thế giới

Để minh chứng cho sức ảnh hưởng không thể lường trước của những vụ rửa tiền và giới tội phạm thì hãy cùng nhìn lại một số vụ rửa tiền làm chấn động toàn thế giới nhé.

Năm 2012 – 2013, Hoa Kỳ đã phát hiện và truy tố một vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử nước này, tổng số tiền phi pháp lên đến 6 tỉ USD, gồm tiền buôn ma túy, thu nhập từ hoạt động mại dâm trẻ em, ăn cắp thẻ tín dụng và các tội ác khác trên toàn thế giới.

Một công ty chuyên chuyển ngoại hối và thực hiện dịch vụ thanh toán có trụ sở tại Costa Rica có tên là Liberty Reserve đã cho phép khách hàng chuyển tiền nặc danh từ một tài khoản sang một tài khoản qua đường Internet mà không hề đặt câu hỏi về nhân thân người chuyển và nguồn gốc số tiền.

Trong vòng khoảng bảy năm, Liberty Reserve đã xử lý 55 triệu giao dịch bất hợp pháp trên toàn thế giới cho 1 triệu người, bao gồm 200.000 người ở Mỹ.

Trên đây là những chia sẻ của BachkhoaWiki xoay quanh câu hỏi rửa tiền là gì. Hy vọng thông qua bài viết trên bạn đã hiểu được khái niệm về rửa tiền cũng như những tác hại của nó đối với không chỉ nền kinh tế mà còn đối với cả một quốc gia. Đừng quên Like và Share để BachkhoaWiki có động lực mang đến cho bạn thêm nhiều kiến thức thú vị hơn nữa nhé.