Điệp ngữ là gì? Một vài lưu ý khi sử dụng điệp ngữ

Điệp ngữ là một phép tu từ hoàn toàn không hề xa lạ trong tiếng Việt và thường được sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm văn học Việt Nam. Vậy Điệp ngữ là gì? Điệp ngữ có vai trò gì trong một tác phẩm văn học? Hãy cùng Bachkhoawiki giải đáp ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Điệp ngữ là gì? Phép điệp là gì?

Điệp ngữ là gì

Định nghĩa Điệp ngữ là gì?

Theo sách giáo khoa Ngữ văn lớp 7 Điệp từ (hay Điệp ngữ) là một biện pháp tu từ trong văn học chỉ việc lặp đi lặp lại một từ hoặc một cụm từ nhằm nhấn mạnh, khẳng định, liệt kê,… để làm nổi bật vấn đề muốn được nhắc đến.

Ví dụ về điệp ngữ

Trong bài thơ “Cảnh khuya” của mình, Bác Hồ có viết:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Có mấy loại điệp ngữ?

Có 3 loại điệp ngữ chính được sử dụng, bao gồm: Điệp ngữ ngắt quãng, Điệp ngữ nối tiếp và Điệp ngữ chuyển tiếp.

Điệp ngữ là gì

Điệp ngữ ngắt quãng là gì?

Điệp ngữ ngắt quãng là các từ ngữ lặp lại giãn cách nhau, có thể cách nhau trong hai, ba câu thơ của một khổ thơ hoặc trong một câu văn. Trong phần ví dụ trên, từ “Lồng” được sử dụng trong bài thơ chính là điệp ngữ ngắt quãng.

Điệp ngữ nối tiếp là gì?

Điệp ngữ nối tiếp được sử dụng khi các từ ngữ, cụm từ lặp lại đứng nối tiếp nhau trong câu nhằm tạo sự mới mẻ, tăng tiến và liền mạch cho câu.

Ví dụ biện pháp điệp ngữ nối tiếp đã được sử dụng trong câu sau: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Điệp ngữ chuyển tiếp là gì?

Điệp ngữ chuyển tiếp thường được sử dụng khi các từ ngữ, cụm từ ở cuối câu văn, câu thơ trước được lặp lại ở đầu câu văn, câu thơ sau tạo sự chuyển tiếp cho câu và tạo nên cảm xúc dạt dào cho người đọc, người nghe.

Cụm từ “Chưa ngủ” trong bài ví dụ bên trên chính là một điển hình của việc sử dụng phép điệp ngữ chuyển tiếp trong câu.

Tác dụng của điệp ngữ là gì?

Là một trong những biện pháp tu từ thường được sử dụng trong các bài văn, bài thơ.

Điệp ngữ có tác dụng nhấn mạnh vào một sự vật, sự việc nào đó hoặc lặp đi lặp lại một việc gì đó có chủ đích nhằm nhấn mạnh tâm tư, tình cảm của nhân vật được nhắc đến trong câu.

Bên cạnh đó, Điệp ngữ cũng được sử dụng như một biện pháp liệt kê các sự vật, sự việc được nhắc tới trong bài để làm sáng tỏ vai trò, tính chất của sự vật, sự việc được nhắc đến trong tác phẩm.

Ngoài ra, các tác giả còn thường sử dụng biện pháp điệp ngữ như một cách khẳng định niềm tin của mình vào sự việc sẽ xảy ra.

Phân biệt điệp ngữ với lỗi lặp

Điệp ngữ và lặp từ là 2 khái niệm thường xuyên bị người đọc hiểu sai dẫn tới việc mắc sai lầm trong quá trình sử dụng.

Đôi khi, người viết muốn sử dụng biện pháp điệp từ cho bài viết của mình nhưng do không nắm chắc cách sử dụng, lối diễn đạt và sự tư duy còn kém đã khiến cho câu văn trở nên nặng nề và lủng củng. Chính vì vậy, việc phân biệt điệp ngữ và lỗi lặp rất quan trọng.

Điệp ngữ là sự lặp lại một yếu tố diễn đạt để nhấn mạnh ý nghĩa cảm xúc, nâng cao khả năng biểu cảm và tăng tính gợi hình cho đoạn văn

Ví dụ:

Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!”

(Bếp lửa – Bằng Việt)

Việc lặp lại cụm từ “Một bếp lửa” ở đầu mỗi câu thơ nhằm nhấn mạnh hình ảnh bếp lửa trong trí nhớ của người cháu, thể hiện tình cảm, nỗi nhớ nhung da diết về căn bếp lửa và người bà dấu yêu.

Còn ngược lại, việc lặp từ chỉ đơn thuần là lặp đi lặp lại một từ trong câu hay những câu liền kề nhau gây sự nặng nề, nhàm chán và lủng củng trong câu

Ví dụ: Trong nhà bà em có một cây xoài, cây xoài ông em trồng từ khi em còn bé và em rất thích cây xoài trong nhà bà em.

Ở đây, cụm từ “Cây xoài” đã được lặp đi lặp lại nguyên vẹn cả về âm và nghĩa gây sự lủng củng cho cả câu văn trên.

Lưu ý khi sử dụng điệp ngữ

Như đã nói lúc đầu, điệp ngữ được sử dụng rất nhiều trong văn thơ nên khi sử dụng biện pháp tu từ này, bạn cần có những lưu ý để tránh mắc phải những sai lầm trong bài làm của mình.

Trước khi sử dụng điệp ngữ, bạn cần hiểu được khái niệm và ý nghĩa của chúng để hiểu hết được những tâm tư, tình cảm mà tác giả đưa vào tác phẩm của mình.

Phải xác định rõ mục đích sử dụng điệp ngữ, hãy chỉ sử dụng khi bạn cảm thấy cần thiết, tránh sự làm dụng quá mức gây rườm rà trong câu văn.

Ngoài điệp ngữ, tiếng Việt còn có rất nhiều phép tu từ đa dạng như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa,… vì vậy trước khi sử dụng bất kỳ phép tu từ nào, bạn cần có sự chọn lọc, tránh việc lạm dụng hay kết hợp quá nhiều biện pháp tu từ khiến cho bài viết của bạn bị rối và không rõ nghĩa.

Xem thêm:

Bài viết trên đã giải nghĩa giúp bạn đọc điệp ngữ là gì cũng như một số lưu ý khi sử dụng biện pháp tu từ này. Like & Share bài viết để ủng hộ BachkhoaWiki tiếp tục cập nhật thông tin bổ ích nữa nhé.

Tags: văn học