Chiến dịch Lam Sơn 719 – Một trong những trận chiến đẫm máu nhất lịch sử Việt Nam

Chiến dịch Lam Sơn 719 là một cuộc hành quân lớn nhất, điển hình nhất của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Sự thành công của cuộc chiến này đã mang đến nhiều ý nghĩa thắng lợi cho  đất nước ta. Trong bài viết này, BachkhoaWiki sẽ cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất về chiến dịch Lam Sơn 719 nhé.

chiến dịch Lam sơn 719

Hoàn cảnh ra đời của chiến dịch Lam Sơn 719

Chiến dịch Lam Sơn 719 còn có tên là Cuộc Hành quân Hạ Lào theo cách gọi của Việt Nam Cộng hòa. Tờ báo Cicero Magazine cũng từng gọi đây là một trong những trận đánh đẫm máu nhất của chiến tranh Việt Nam.

Đây là một chiến dịch trong Chiến tranh Việt Nam, do Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) thực hiện với sự yểm trợ của không quân và pháo binh Mỹ.

Trong thời kỳ 1959-1970, đường Trường Sơn đã trở thành tuyến hậu cần quan trọng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, chạy từ phía tây Bắc Trung Bộ qua vùng Đông Nam Lào và đi vào một số vùng phía Tây của miền Nam.

Hệ thống đường Trường Sơn đã là mục tiêu của các nỗ lực đánh phá ngăn chặn liên tục của Mỹ suốt từ năm 1966.

Tuy nhiên, hỗ trợ các chiến dịch không kích, các hoạt động ngầm mới chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ trong địa phận của Lào nhằm ngăn chặn dòng người và hàng trên đường Trường Sơn.

Kể từ năm 1966, trên 630.000 người, 100.000 tấn lương thực, 400.000 tấn vũ khí, và 50.000 tấn đạn dược đã di chuyển qua mê cung của những con đường đất, đường rải đá, đường mòn, và các hệ thống vận chuyển đường sông dọc ngang vùng Đông Nam Lào, nối với một hệ thống hậu cần tương tự tại nước láng giềng Campuchia – Đường mòn Sihanouk.

Tuy nhiên, từ sau khi Norodom Sihanouk bị lật đổ năm 1971, chính quyền Lon Nol thân Mỹ đã không cho lực lượng quân Giải phóng tiếp tục sử dụng cảng Sihanoukville để nhận hàng.

Về mặt chiến thuật, đây là một đòn nặng đối với nỗ lực của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do 70% hàng quân sự cho miền cực nam đã được chuyển đến qua cảng này.

Cú đòn tiếp theo vào hệ thống hậu cần đặt tại Campuchia đã được thực hiện vào mùa xuân và mùa hè năm 1970, khi quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa vượt qua biên giới và tấn công các khu căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam trong chiến dịch Campuchia.

Sau khi tấn công vào các “thánh địa Cộng sản” tại Campuchia, các sở chỉ huy Mỹ tại Sài Gòn quyết định rằng thời gian đang thuận lợi cho một chiến dịch tương tự tại Lào. Các tướng lĩnh Mỹ tin rằng, nếu thực hiện một chiến dịch như vậy, tốt nhất là làm thật nhanh, trong khi các phương tiện chiến tranh của Mỹ vẫn còn sẵn có tại miền Nam Việt Nam.

Một chiến dịch như vậy sẽ gây ra sự thiếu thốn đạn dược vũ khí cho Giải phóng quân sau 12 đến 18 tháng, trong khi quân đội Mỹ rút dần ra khỏi miền Nam Việt Nam, và nhờ đó trì hoãn một cuộc tấn công lớn của Quân Giải phóng vào các tỉnh phía Bắc Việt Nam Cộng hòa trong vòng 1 năm, thậm chí có thể 2 năm.

Khi đó, vẫn đang có các dấu hiệu ngày càng tăng của hoạt động hậu cần tại miền Đông Nam Lào, hoạt động này báo hiệu một cuộc tấn công lớn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Một báo cáo từ tình báo Mỹ ước tính khoảng 90% lượng quân nhu của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam di chuyển dọc đường Trường Sơn sẽ được điều vào 3 tỉnh cực Bắc của Việt Nam Cộng hòa. Hiện tượng này nhen nhóm một sự chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Bấy giờ, theo hồi ký của Nguyễn Cao Kỳ, quân đội Sài Gòn đã có thêm 400.000 người sau lệnh tổng động viên 18 đến 38 tuổi (1968-1969), nâng tổng số quân lên 1.000.000 người vào thời điểm cuối năm 1970. Trong vòng trên dưới 3 năm, Mỹ chuyển giao cho quân Sài Gòn khoảng 1 triệu vũ khí cá nhân, 46.000 quân xa, 1.100 máy bay gồm cả trực thăng.

Sau quá trình chuyển giao trên, Mỹ và Sài Gòn muốn chứng tỏ sự “trưởng thành của quân đội Việt Nam Cộng hòa” đã mở cuộc hành quân quy mô do binh lính Sài Gòn đảm nhiệm nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh.

chiến dịch Lam Sơn 719

Lực lượng tham chiến trong chiến dịch Lam Sơn 719

Lực lượng của Mỹ, Việt Nam Cộng hòa

Trong chiến dịch Lam Sơn 719 này, lực lượng của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa gồm có:

Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Có tổng cộng khoảng 31 ngàn quân, bao gồm 10 ngàn quân hỗ trợ tuyến sau bao gồm quân y, vận tải, liên lạc, gồm:

  • 3 sư đoàn: Sư đoàn Dù (gồm 3 lữ đoàn 1,2,3), Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến, Sư đoàn 1 Bộ binh. Trong đó, Sư đoàn Dù và Sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến được đánh giá là 2 sư đoàn thiện chiến nhất của Việt Nam Cộng hòa.
  • 3 lữ đoàn: Liên đoàn 1 Biệt động quân, trung đoàn 4 và trung đoàn 5 – sư đoàn bộ binh số 2
  • 4 trung đoàn và 2 chi đoàn thiết giáp: trung đoàn 17, 11, 7, 4 (trang bị xe tăng M41)
  • 13 tiểu đoàn pháo binh

Như vậy những lực lượng mạnh nhất của QLVNCH đã tập trung tại đây, trừ lữ đoàn Biệt kích dù số 81 là đơn vị tổng trừ bị chiến lược đang đóng ở Đông Nam Bộ.

Quân đội Mỹ

Ban đầu, quân đội Mỹ có khoảng 10 ngàn quân, gồm:

  • 12 tiểu đoàn bộ binh: 5 tiểu đoàn thuộc sư đoàn dù 101, 4 tiểu đoàn lữ 1 sư đoàn 5 bộ binh cơ giới, 3 tiểu đoàn thuộc sư đoàn Americal
  • 8 tiểu đoàn pháo binh (cỡ pháo từ 155 đến 203 mm)
  • 1.200 máy bay: 800 trực thăng, 300 máy bay phản lực, 50 máy bay vận tải cỡ lớn và 50 máy bay ném bom chiến lược B-52.

Trong quá trình chiến dịch, do tổn thất cao nên Mỹ tiếp tục bổ sung lực lượng.

Khi cao nhất – ngày 10/3/1971, quân Mỹ đã tăng tổng số quân từ 9.000 dự kiến lên đến 15.000, điều động 5 tiểu đoàn thiết giáp và 4 tiểu đoàn pháo binh để hỗ trợ trực tiếp.

Bên cạnh đó, Mỹ còn điều động khẩn cấp 3 lữ đoàn bộ binh trong 2 ngày 23 và 24 tháng 2 năm 1971 từ Thừa Thiên ra vùng Quán Ngang, Mai Lộc, điểm cao 241, Khe Sanh (tức là Lữ đoàn 11 bộ binh Mỹ, 2 lữ đoàn dù thuộc Sư đoàn 101 dù Mỹ) và thêm 4 tiểu đoàn pháo binh để bảo vệ phía sau.

Lực lượng này còn bao gồm hơn 300 máy bay lên thẳng được điều thêm để phục vụ cho cơ động và vận chuyển lực lượng. Ngoài ra còn có 2 binh đoàn Quân đội Hoàng gia Lào với khoảng 4.000 quân thuộc 2 binh đoàn cơ động GM30 và GM33.

Theo Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, tổng lực lượng Mỹ – VNCH trên địa bàn chiến dịch lúc cao nhất có 55.000 quân, gồm 15 trung đoàn bộ binh, 3 thiết đoàn thiết giáp, 21 tiểu đoàn pháo binh, trang bị gồm 578 xe tăng, xe bọc thép, 318 khẩu pháo, 700 máy bay các loại.

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Lực lượng quân sự

Tổng cộng có khoảng 60.000 quân, với chỉ huy là Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 – Nam Lào với mật danh là “Bộ tư lệnh 702”.

  • Các sư đoàn bộ binh: 2, 304, 308, 320 và 324 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam
  • Ba tiểu đoàn tăng, thiết giáp: 297, 397, 198, với 88 xe tăng (Tiểu đoàn 397 trang bị 33 xe T-34/85, Tiểu đoàn 297 trang bị 33 xe T54, Tiểu đoàn 198 trang bị 22 xe tăng lội nước PT-76)
  • Một số tiểu đoàn đặc công
  • Ba trung đoàn pháo binh cơ giới: 368, 38, 45
  • Trung đoàn pháo mang vác 84
  • Ba trung đoàn pháo phòng không: 230, 241, 591
  • Ba trung đoàn công binh: 219, 83, 7
  • Bảo vệ hậu phương chiến lược, trực tiếp của chiến dịch là Sư đoàn phòng không 367 gồm 3 trung đoàn pháo phòng không 282, 284, 224 và hai trung đoàn tên lửa 238, 237
  • Các lực lượng tại chỗ của B5, B4 và Đoàn 559 của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đoàn 559 đã tổ chức 7 khu vực tác chiến tại chỗ; huy động tham gia chiến dịch 1 sư đoàn và 5 trung đoàn phòng không (gồm 1 trung đoàn tên lửa), 10 tiểu đoàn pháo cao xạ, 25 đại đội và 33 trung đội súng máy phòng không, gồm khoảng 300 pháo cao xạ và mấy trăm súng máy phòng không, bố trí thành 8 cụm trên tâm điểm là tam giác Bản Đông – Tha Mé – La Hạp.
  • Lực lượng chính quy và dân quân Pathet Lào

Lực lượng dân sự

Lực lượng dân sự của quần chúng nhân dân chủ yếu phục vụ bảo đảm giao thông vận tải, bảo đảm kho bãi. Nhiều hộ dân đã sử dụng chính nhà của mình để là kho chứa vũ khí và trạm dừng chân của bộ đội.

Bên cạnh đó, quần chúng nhân dân đã tổ chức các điểm phục vụ nước uống, tặng quà cho các đơn vị huấn luyện diễn tập, cả trên đường quân ta hành quân đi qua; đồng thời chấp hành nghiêm các quy định “phòng gian bảo mật”, bảo vệ an toàn nơi bộ đội đóng quân, ngụy trang bến bãi, kho tàng…, tạo mọi điều kiện tốt nhất cả vật chất và động viên tinh thần cho bộ đội trước khi vào mặt trận.
Xét về tương quan, hai bên khá tương đương về quân số, tuy nhiên phía Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa mạnh hơn hẳn về trang bị và hỏa lực hạng nặng. Cụ thể, lực lượng này gấp 5 lần về thiết giáp, 3 lần về pháo hạng nặng và hơn tuyệt đối về không quân.

Diễn biến của chiến dịch Lam Sơn 719

Mở đầu chiến dịch Lam Sơn 719, QL VNCH tung hàng loạt nghi binh và thám báo dọc đường 9 nhằm thăm dò thực lực. Các điểm chốt của QĐ NDVN dọc đường 9 bị tấn công ác liệt ngay sau đó và QLVNCH lấn sâu vào các tuyến vận tải giáp biên giới Lào.

Ít ngày sau đó, Khe Sanh – khu vực do QĐ NDVN kiểm soát bị QLVNCH tấn công và chiếm đóng để làm chỗ dựa tấn công lên Nam Lào và đồng thời làm nghi binh cho cuộc tấn công này.

Các đơn vị của QĐ NDVN tại chiến trường chống trả nhỏ lẻ nhằm tiêu hao sinh lực quân sự và làm chậm các bước tiến trên. Trong khi các đơn vị chủ lực gấp rút âm thầm triển khai lực lượng phản công.

Tháng 2 năm 1971, từ Khe Sanh, lục quân VNCH bùng nổ cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Vương quốc Lào với 2 Lữ đoàn dù, 2 Thiết đoàn, 1 tiểu đoàn biệt động quân và Sư đoàn 1 bộ binh cùng cơ số các xe cơ giới, thiết giáp và trực thăng.

Bản Đông (Lào) và một số khu vực khác nhanh chóng bị chiếm. Tiểu đoàn 39 liên đoàn biệt động quân tấn công kiểm soát được điểm cao 500 án ngữ ngay giữa các con đường quân sự huyết mạch của QĐ NDVN. Tiểu đoàn đặc biệt tinh nhuệ này được trang bị hỏa lực vượt trội, pháo binh và hỗ trợ của không lực Hoa Kỳ. QL VNCH nắm được thế chủ động chiến trường.

Chủ lực QĐ NDVN bao vây điểm cao 500. Lưới phòng không được thành lập, phá hủy các chiến cơ và máy bay tiếp vận của Hoa Kỳ hỗ trợ cho điểm cao 500.

Trận đánh diễn ra khốc liệt, pháo binh và phòng không dồn dập. QL VNCH dần chống trả yếu ớt khi chi viện từ không quân Mỹ suy giảm. Đến ngày 20/02/1971, tiểu đoàn biệt động quân 39 bị xóa sổ, điểm cao 500 bị mất.

Cuộc phản công tiếp tục diễn ra từ QL VNCH. 5 ngày sau đó, tiểu đoàn dù 3, tiểu đoàn pháo binh QL VNCH bị kết liễu. Sở chỉ huy lữ đoàn dù số 3 QL VNCH bị khống chế, đại tá Nguyễn Văn Thọ và ban tham mưu bị bắt sống.

Ngày hôm sau, Lữ đoàn dù số 3 là cái tên tiếp theo bị xóa sổ. Các lực lượng còn lại của QL VNCH tiếp tục tham chiến song thế trận không còn mãnh liệt như trước và nhanh chóng chuyển từ thế chủ động tấn công sang bị động phản ứng.

Từ ngày 12/03/1971, QĐ NDVN tổ chức phản công nhằm tung đòn quyết định. Hàng loạt xe cơ giới, thiết giáp và xe tăng bị phá hủy.

4 ngày sau đó, tiểu đoàn số 1 Bộ binh bị tiêu diệt. Phần còn lại của Trung đoàn bộ binh số 1 phân tán ra. Không quân Hoa Kỳ dùng B-52 vào trận rải thảm vào đội hình QĐ NDVN, bẻ gãy nhiều mũi chiến đấu, tạm thời phá hủy thế trận phản công.

Các cuộc giao tranh đẫm máu và khốc liệt tiếp tục diễn ra sau đó. Con số các trang thiết bị chiến tranh của Mỹ và VNCH bị phá hủy nhảy lên nhanh chóng.

Ngoài ra, vấn đề được rất nhiều người quan tâm từ trước đến nay là vì sao chiến dịch Lam Sơn 719 bị lộ. Bởi theo ghi nhận của nhiều sách báo, có thể kế hoạch hành quân Lam Sơn 719 đã bị lộ bí mật trước khi được thực thi.

Tại thời điểm đó, họ đều không tìm được câu trả lời rõ ràng. Theo tiết lộ của tướng Hoàng Xuân Lãm qua phỏng vấn của Phạm Huấn rằng có một chiếc trực thăng chở một đại tá trưởng phòng hành quân của quân đoàn I bị bắn rơi ngày 9-1-1971 có mang theo bản đồ hành quân.

Và cựu sĩ quan tham mưu Phạm Huấn suy luận rằng chắc chắn bộ đội TS Cộng sản Bắc Việt đã tìm đến nơi chiếc trực thăng rớt để thu thập tin tức. Có thể họ đã lấy được tấm bản đồ từ chiếc trực thăng, hơn là mua được như họ đã nói. Đây có thể chính là lý do làm cho chiến dịch Lam Sơn 719 bị lộ.

chiến dịch Lam Sơn 719

Kết quả của chiến dịch Lam Sơn 719

Do sự yếu kém của các lãnh đạo chính trị và quân sự của Mỹ và VNCH cùng khả năng triển khai chiến dịch nghèo nàn tại thực tế chiến trường, hành quân chiến dịch Lam Sơn 719 đã bị phá vỡ khi phải đối mặt với sự kháng cự đầy quyết tâm và khôn ngoan.

Cuộc hành quân này là một thảm họa thực sự đối với Quân lực VNCH khi họ bị mất nhiều đơn vị nòng cốt và nhuệ khí quân sỹ tan vỡ.

Số lượng máy bay trực thăng bị phá hủy hoặc bị hư hỏng trong quá trình thực hiện chiến dịch là cú sốc cho Không lực Hoa Kỳ và buộc họ nhìn nhận lại các học thuyết quân sự cơ bản về sử dụng lực lượng Không kỵ. Riêng sư đoàn 101 đã có 84 máy bay bị phá hủy và một 430 bị hư hỏng.

Tổng tổn thất máy bay trực thăng Mỹ và VNCH trong chiến dịch Lam Sơn 719 đạt 168 bị phá hủy và 618 bị hư hỏng. Thiệt hại từ quân đội VNDCCH là hơn 2000 lính hi sinh và khoảng 6000 người bị thương.

Cao điểm 550 hay còn gọi là căn cứ Delta, nơi mà Lữ đoàn 147 TQLC VNCH bị sư đoàn 324 QĐNDVN xóa sổ hầu như toàn bộ. Các tiểu đoàn 2 Trâu Điên, 4 Kình Ngư, 7 Hùm Xám, bị đánh tơi tả . Các cấp sĩ quan đại đội hầu hết bị thương nặng, bị bắt, hoặc bị tiêu diệt, đặc biệt là đại đội 7 tiểu đoàn 2 Trâu Điên khi rút ra chỉ còn vài chục người.

Ý nghĩa của chiến dịch Lam Sơn 719

Một số ý nghĩa to lớn của chiến dịch Lam Sơn 719:

  • Chiến dịch Lam Sơn 719 đã làm thất bại nặng nề về quân sự và chính trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng này giúp Quân giải phóng bảo vệ vững chắc tuyến hành lang vận tải chiến lược dọc biên giới Việt Nam – Lào, làm phá sản một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.
  • Tác động mạnh mẽ của chiến dịch Lam Sơn 719 đến cục diện chiến tranh trên chiến trường ba nước Đông Dương. Qua thắng lợi này, so sánh lực lượng và thế chiến lược trên chiến trường miền Nam nói riêng và trên chiến trường Đông Dương nói chung thay đổi nhanh chóng.
  • Chấm dứt quá trình tiến công – phản kích đánh ra vùng ngoài của liên quân Mỹ – quân đội Sài Gòn, tạo ra bước ngoặt rất quan trọng trong so sánh tương quan lực lượng và thế chiến lược có lợi.
  • Mở ra thời kỳ phát triển hết sức phong phú, đa dạng nhiều cách đánh của các lực lượng trong đội hình tác chiến binh chủng hợp thành.
  • Chiến thắng chiến dịch Lam Sơn 719 đánh dấu bước trưởng thành mới của QGP, đặc biệt là nghệ thuật quân sự. Đây là lần đầu tiên mà QGP đã thực hiện thắng lợi một chiến dịch phản công quy mô lớn bằng các lực lượng binh chủng hợp thành, đánh và tiêu diệt được đối phương có chi viện hỏa lực và cơ động.
  • Thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước cũng như sự đoàn kết và liên minh chiến đấu đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Kết quả chiến dịch đã làm thay đổi cán cân trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris khi phái đoàn VNDCCH và phái đoàn CHMNVN dần lấy lại thế thượng phong.
  • Phái đoàn Hoa Kỳ buộc phải thay đổi giọng điệu trên bàn đàm phán trong khi phái đoàn CHMNVN tiếp tục đưa ra yêu sách.

Xem thêm: Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887): Diễn biến, kết quả và ý nghĩa lịch sử

Vậy là toàn bộ thông tin về chiến dịch Lam Sơn 719 đã được BachkhoaWiki cập nhật trong bài viết này. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm phần nào về lịch sử của đất nước Việt Nam.