Chiến dịch đường 14 Phước Long và nghệ thuật quân sự trong tác chiến

Phước Long là vùng địa bàn của núi rừng hiểm trở, tiếp giáp với cực Nam Trung bộ và vùng giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp. Hơn nữa, còn là bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Bắc, là đoạn cuối của đường mòn Hồ Chí Minh – nơi tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương đối với chiến trường Nam Trung Bộ. Với vị trí chiến lược quan trọng của vùng, Phước Long là một điểm sáng trong chiến lược chiến tranh Việt Nam. Hãy cùng BachkhoaWiki tìm hiểu rõ hơn về chiến dịch đường 14 Phước Long lịch sử này nhé.

Chiến dịch đường 14 Phước Long

Chiến dịch đường 14 Phước Long diễn ra vào thời gian nào?

Chiến dịch Đường 14 Phước Long được chỉ đạo ở thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (1974 – 1975). Là trận chiến quân sự giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân lực Việt Nam cộng hòa.

Cuối tháng 10 năm 1974, tỉnh Bình Phước được ban chỉ đạo phổ biến kế hoạch chuẩn bị cho đợt tiến công mùa khô 1974 – 1975. Tháng 12 năm 1974, lực lượng bộ đội địa phương tiến công, tiêu diệt Chi khu quân sự “Bù Đốp lưu vong” mở màn cho chiến dịch đường 14 Phước Long lịch sử.

Địa bàn tác chiến của chiến dịch đường 14 Phước Long

Chiến dịch đường 14 Phước Long, theo thông tin được ghi chép, những năm 1974 và 1975, Phước Long là một trong số 11 tỉnh bao quanh Biệt khu thủ đô Sài Gòn-Gia Định, nằm trong địa bàn tác chiến của Quân khu III của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Đây được biết cũng là địa bàn hoạt động của các lực lượng thuộc Mặt trận Đông Nam Bộ mà sau này được tập hợp thành Quân đoàn 4 Quân khu Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Phước Long giữ vai trò chiến lược và vị trí quân sự quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Do có các giao lộ của đường số 2 cũ nối với đường 14 qua ngã ba Đồng Xoài và đường 311 nối với đường 14 qua ngã ba Liễu Đức, Phước Long là điểm án ngữ hành lang vận tải của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam qua Lào và Campuchia vào Nam Trung bộ; đồng thời là vị trí ngăn chặn thế liên hoàn của các vùng.

Lực lượng tham chiến chiến dịch đường 14 Phước Long

Chiến dịch đường 14 Phước Long bao gồm những lực lượng tham chiến sau:

Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam

Quân đoàn 4 có nhiệm vụ mở màn trận đánh tại Phước Long do Thiếu tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh kiêm chính ủy. Đây là trận đánh lớn đầu tiên của Quân đoàn kể từ ngày thành lập. Tại Phước Long, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 đã phái các sư đoàn và trung đoàn trực thuộc một lực lượng xung kích mạnh gồm:

  • Sư đoàn 302 (sư đoàn 3), gồm hai trung đoàn 271 và 201, được phối thuộc trung đoàn 165 (sư đoàn 7) là đơn vị chủ công đợt 1.
  • Sư đoàn 7 bộ binh gồm hai trung đoàn 141 và 209 được phối thuộc trung đoàn 2 (sư đoàn 9) là lực lượng chủ công đợt 2.
  • Trung đoàn 429 đặc công.
  • Trung đoàn công binh 25.
  • Đoàn hậu cần 210 và 235 (tương đương trung đoàn).
  • Sư đoàn 9 bộ binh gồm 3 trung đoàn bộ binh 1, 2, 16.

Quân lực Việt Nam Cộng hòa

Tại tiểu khu Phước Long gồm: 5 tiểu đoàn bảo an và 48 trung đội dân vệ. Trong đó:

  • Tiểu đoàn 341 và 352 có nhiệm vụ thắt chặt Đồng Xoài và kiểm soát đoạn đường 14 từ Đồng Xoài đến cầu số 12.
  • Tiểu đoàn 363 chịu trách nhiệm Bù Na và kiểm soát đường 14 từ cầu 11 đến ngã ba Liễu Đức.
  • Tiểu đoàn 362 được giao nhiệm vụ trấn giữ Vĩnh Thuận và kiểm soát đường 1 từ ngã ba Liễu Đức đến Bù Đăng.
  • Tiểu đoàn 340 là lực lượng dự bị cơ động đóng quân tại thị xã Phước Long..

Các đơn vị tuyến sau gồm:

  • Sư đoàn bộ binh 5, 18, 25 trong đó có lữ đoàn thiết giáp số 2 và 7, các thiết đoàn khác được bố trí từ Long An đến Biên Hòa tạo thành thế vòng cung xung quanh Sài Gòn từ ba hướng Bắc, Đông, Tây.
  • Liên đoàn biệt động quân số 31 đóng quân chiếm giữ Chơn Thành, cách Phước Bình hơn 70 km đường bộ.
    sư đoàn 18 đóng ở Biên Hòa – đây là đơn vị lớn có khả năng tiếp cận giải tỏa cho Phước Long nhanh nhất khi bị tấn công.
  • Gần hơn nữa có sư đoàn 5 ở Bến Cát, trong đó có một chiến đoàn đóng tại An Lộc nhưng bị hạn chế.

Diễn biến chiến dịch đường 14 Phước Long

Đêm 12 rạng sáng ngày 13/12/1974, các đơn vị của tỉnh gồm Tiểu đoàn 208, các đơn vị đặc công nổ phát súng đầu tiên mở màn trận đánh chiếm chi khu Đức Phong, Bù Đăng, Bù Đốp.

Chiến dịch đường 14 Phước Long và nghệ thuật quân sự trong tác chiến

Trong khi đó, rạng ngày 14/12/1974, ở hướng Bù Đăng – đường 14, trung đoàn 271 cùng với lực lượng địa phương nổ súng tiến công giải phóng chi khu quân sự Đức Phong. Những ngày kế tiếp đó, quân đội tiếp tục giải phóng đoạn đường 14 từ Đức Phong đến yếu khu Bù Na, phái lực lượng uy hiếp Đồng Xoài, mở hành lang giải phóng vùng Đông Nam Phước Long rộng lớn, phá tan tuyến phòng thủ phía Nam sau gần 2 giờ chiếm đánh.

Vào ngày 17/12/1974, quân địch phái 2 tiểu đoàn đến tái chiếm chi khu Bù Đốp, lực lượng ta chiến đấu quyết liệt với địch. Đến ngày 22/12, quân ta anh dũng chiến đấu đã hoàn toàn làm chủ trận địa và tiêu diệt thêm các đồn Phước Quả, Phước Lộc, Phước Tín,… Sau trận đánh, tỉnh ủy Bình Phước thành lập Tiểu đoàn Bà Rá.

Đến 5 giờ sáng ngày 26/12/1974, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Đồng Xoài của địch. Đến 8 giờ 35 phút, chi khu của địch bị quân ta quét sạch. Đến 15 giờ cùng ngày, lực lượng ta hoàn toàn làm chủ khu vực Đồng Xoài. Chiến khu Đồng Xoài thất thủ, Phước Long bị bao vây cô lập.

Rạng ngày 31/12/1974, quân đội ta tiếp tục tiến công tiêu diệt chi khu Phước Bình, mở chiến dịch giải phóng Phước Long. Đến ngày 1/1/1975, cao điểm Bà Rá, nơi được mệnh danh là “mắt thần” của địch đã bị bộ đội đặc công của ta tiêu diệt gọn…

Sau 25 ngày đêm tiến công dồn dập trên tất cả các hướng, đến ngày 6/1/1975, thị xã cùng toàn tỉnh Phước Long hoàn toàn giải phóng, mở toang cánh cửa miền Đông Nam bộ nối với Tây nguyên, xuống Sài Gòn và Tây Nam bộ… 9 giờ sáng ngày 6/1, lá cờ chiến thắng của quân ta đã tung bay trên nóc nhà “Dinh tỉnh trưởng”, kết thúc chiến dịch đường 14 Phước Long.

Kết quả chiến dịch đường 14 Phước Long

Chiến thắng đường 14 Phước Long chính là sự đóng góp, hy sinh cao cả, anh hùng của lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và nhân dân tỉnh Bình Phước. Là sự đóng góp to lớn cả về sức người và sức của của các tầng lớp công nhân cao su và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Nhờ có chiến thắng này, Quân Giải phóng đã bước đầu đánh giá được thực lực của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giữ thế bàn đạp cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Không chỉ vậy, chiến dịch đường 14 Phước Long còn giúp Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở thông được hành lang chiến lược từ Vĩnh Linh vào đến Bù Gia Mập, nối liền Lộc Ninh và các căn cứ khác tại miền Đông Nam Bộ; nối liền các vùng chiếm đóng của họ với các căn cứ của Khu 6 trước đây từng bị cô lập ở Long Khánh, Bình Thuận.

Trong chiến dịch đường 14 Phước Long, quân ta đã tiêu diệt tổng cộng 500 tên địch, bắt sống 1.179 tên, tịch thu 1.498 khẩy súng các loại, 190 máy thông tin, 80 xe cơ giới; bắn rơi 12 máy bay, phá hủy 10 xe cơ giới,…

Chiến dịch đường 14 Phước Long và nghệ thuật quân sự trong tác chiến

Ý nghĩa lịch sử quan trọng của chiến thắng Phước Long

Chiến thắng Phước Long lịch sử đã góp phần tạo nên nên địa bàn chiến lược quân sự quan trọng cho chiến trường Nam Bộ, làm suy sụp thế lực quân địch, uy hiếp trực tiếp về phía Quốc lộ 13 và hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn, góp phần nhanh chóng tạo thời cơ cho trận quyết chiến cuối cùng.

Không chỉ vậy, chiến dịch đường 14 Phước Long là chiến thắng đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam mà nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong phạm vi một tỉnh, tạo niềm tin trong lòng quân và dân Việt Nam, thúc đẩy mọi hoạt động trên chiến trường và hậu phương khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tiến công giải phóng miền Nam.

Chiến thắng Phước Long lịch sử là minh chứng cụ thể và sinh động chứng minh cho tương quan giữa thế và lực của ta và địch trên chiến trường, thăm dò khả năng quân đội Sài Gòn và sự can thiệp của Mỹ, làm sáng tỏ hơn những cơ sở để Bộ Chính trị có cơ sở để ra quyết định cuối cùng, với quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Xem thêm:

Trên đây là toàn bộ thông tin về thời gian, diễn biến, kết quả và ý nghĩa lịch sử của chiến dịch đường 14 Phước Long mà BachkhoaWiki muốn chia sẻ cho các bạn. Hãy like, share để giúp mọi người có thêm kiến thức nhé.